Liên hệ: 02435772733 - 0972858186

VIÊM LOÉT DẠ DÀY TÁ TRÀNG

 

  1. Viêm loét dạ dày-tá tràng là bệnh gì?

Căn bệnh gây tổn thương viêm và loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng (phần đầu của ruột non). Những tổn thương này xảy ra khi lớp niêm mạc (màng lót bên trong cùng) của dạ dày hay tá tràng bị bào mòn và các lớp bên dưới thành dạ dày hay thành ruột sẽ bị lộ ra. Vết loét ở tá tràng chiếm 95%, vết loét ở dạ dày chiếm 60%, trong đó vết loét ở bờ cong nhỏ dạ dày chiếm 25% các trường hợp.

 Trong y học cổ truyền, viêm loét dạ dày tá tràng với biểu hiện lâm sàng là đau vùng thượng vị cùng với một số rối loạn tiêu hóa, được xếp vào bệnh lý của Tỳ Vị với bệnh danh là Vị quản thống.

 

  1. Nguyên nhân- bệnh sinh viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày tá tràng là kết quả của sự mất cân bằng giữa 1 bên là yếu tố phá hủy niêm mạc dạ dày tá tràng và 1 bên là yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày tá tràng.

Yếu tố phá hủy niêm mạc: HCl và Pepsine.

Yếu tố bảo vệ niêm mạc: chất nhày, HCO3 và hàng rào niêm mạc dạ dày.

– Tính di truyền: Chúng ta thường nghĩ đau dạ dày cũng có tính di truyền.

– Chất kích thích tác động trực tiếp lên dạ dày (thể dịch):Thuốc lá và cà phê, hai chất kích thích này làm cho dạ dày tăng tiết mạnh cho nên tỷ lệ mắc bệnh ở những người nghiện cà phê và thuốc lá rất cao.

– Uống nhiều rượu bia và lối sống không khoa học: Thói quen ăn quá nhanh, không nhai kỹ, vừa ăn xong đã làm việc nặng hoặc chơi thể thao ngay hoặc ăn uống không giờ giấc nhất định, lúc no quá, lúc đói quá…

– Yếu tố thần kinh: yếu tố thần kinh căng thẳng thì bệnh thủng dạ dày, chảy máu dạ dày và viêm loét dạ dày cũng gia tăng.

– Nhịp sống nhanh: Ngày nay, với nhịp sống và làm việc tăng nhanh, yêu cầu khả năng làm việc cao hơn, có nhiều căng thẳng (stress) hơn nên bệnh viêm loét dạ dày cũng xuất hiện nhiều hơn trong giới tri thức, thậm chí có một số cháu nhỏ học thi quá căng thẳng cũng có thể mắc bệnh.

  • Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori), nhưng không phải là cứ có vi khuẩn HP là có loét và nếu có viêm loét dạ dày thì không chỉ dùng kháng sinh điều trị khỏi được viêm loét mà phải kết hợp với các loại thuốc giảm axit và thuốc bọc niêm mạc dạ dày.

Nguyên nhân theo Y học cổ truyền

1- Những căng thẳng tâm lý kéo dài như giận dữ, uất ức khiến cho chức năng sơ tiết của tạng Can mộc bị ảnh hưởng, từ đó cản trở tới chức năng giáng nạp thủy cốc của Vị.

2- Những căng thẳng tâm lý kéo dài như lo nghĩ, toan tính quá mức cũng như việc ăn uống đói no thất thường sẽ tác động xấu tới chức năng kiện vận của tạng Tỳ và ảnh hưởng xấu tới chức năng giáng nạp thủy cốc của Vị.

Trên cơ sở đó, thời tiết lạnh hoặc thức ăn sống lạnh mà YHCT gọi là Hàn tà sẽ là yếu tố làm khởi phát cơn đau. Trong giai đoạn đầu, chứng Vị quản thống thường biểu hiện thể Khí uất (trệ), Hỏa uất hoặc Huyết ứ, nhưng về sau do khí suy huyết kém chứng Vị quản thống sẽ diễn tiến theo thể Tỳ Vị hư hàn.

 

3. Triệu chứng của viêm loét dạ dày

Người bệnh viêm loét dạ dày thường đau bụng trên rốn (thượng vị), nếu không phải là viêm dạ dày cấp thì người bệnh đau âm ỉ, đau chu kỳ và đau theo mùa. Tuỳ theo vị trí của ổ loét mà người bệnh đau lúc đói hay lúc no, thường gặp đau về đêm hơn ban ngày, thậm chí có người đau theo giờ nhất định.

Kèm theo đau thường là ợ hơi, ợ chua, tuy vậy dấu hiệu này không nhất thiết phải có, nhiều người chỉ đau trên rốn một thời gian, không có triệu chứng ợ hơi ợ chua mà đi khám bệnh đã phất hiện loét dạ dày nặng rồi, ngoài ra có thể có các triệu chứng như táo bón, nôn hoặc đầy bụng khó tiêu…

4. Chẩn đoán viêm loét dạ dày

Ngoài khám lâm sàng, dựa vào triệu chứng người bệnh kể, bác sĩ có thể áp dụng một số biện pháp sau để chẩn đoán bệnh dạ dày.

– Chụp X-quang chẩn đoán: Bệnh nhân nhịn ăn, được uống một cốc thuốc cản quang, sau đó chụp nhiều film để phát hiện hình ảnh tổn thương, phương pháp này đã tồn tại rất nhiều năm đến nay ít có giá trị hơn nội soi chẩn đoán.

– Nội soi chẩn đoán: Các thầy thuốc dùng một ống nội soi mềm luồn từ miệng qua thực quản xuống đến dạ dày tá tràng, qua ống nội soi nhờ có camera quan sát thầy thuốc có thể phát hiện rõ tình trạng niêm mạc dạ dày, và các tổn thương ở dạ dày tá tràng, ngày nay, qua ống nội soi bác sĩ có thể tiến hành một số kỹ thuật như nong hang vị, sinh thiết ổ loét xét nghiệm tế bào, cắt các polyp hoặc can thiệp lên đường mật. Đây là phương pháp chính xác nhất, nhanh và có thể điều trị một số bệnh.

5. Điều trị viêm loét dạ dày:

5.1. Điều chỉnh chế độ sinh hoạt, tập luyện:

Chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ, tránh các chất kích thích như thuốc lá, cà phê, rượu bia hoặc chế độ làm việc căng thẳng, cần có chế độ nghỉ ngơi, chơi thể thao rèn luyện thể lực và tránh stress, với những người làm việc trí óc cần có chế độ vận động phù hợp, tránh thức quá khuya.

Nam giới gặp nhiều hơn nữ giới, có thể do thói quen sinh hoạt giờ giấc không phù hợp, ăn uống thất thường, làm việc quá căng thẳng, hút thuốc và uống cà phê nhiều. Cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt điều độ để tránh mắc bệnh dạ dày.

5.2 Dùng thuốc:

- Nhóm Antacid: cụ thể như Maalox với liều sử dụng 30 ml uống sau bữa ăn từ 1 - 3 giờ và trước khi ngủ, thời gian điều trị nên kéo dài từ 1 - 2 tháng.

- Misoprostol: được tổng hợp từ Prostaglandine E1 có tác dụng tăng tiết Bicarbonate và ức chế tiết HCl, thuốc có hiệu quả trong loét do NSAID, liều thường dùng là 200 mg x 4 lần/ngày, thường gây phản ứng phụ là tiêu chảy và co thắt tử cung.

- Nhóm H2 Receptor Antagonist:
* Cimetidine với liều sử dụng 300 mg x 4 lần/ngày, hoặc 400 mg x 2 lần/ngày hoặc 800 mg uống vào lúc đi ngủ.
* Ranitidine với liều sử dụng 150 mg x 2 lần/ngày hoặc 300 mg uống lúc đi ngủ.
- Nhóm ức chế bơm Proton (H+ - K+ATPase):
* Omeprazol 20 mg uống 1 lần vào buổi sáng.
* Lansoprazol 30 mg uống 1 lần vào buổi sáng.

Đối với những trường hợp loét có nhiễm HP, loét tái phát nhiều lần, loét có biến chứng chảy máu, các thầy thuốc nội khoa sẽ phải sử dụng đến những phác đồ sau đây:
(1) Triple Therapy với Bismuth Subcitrate 2 viên x 4 lần/ngày, cùng với Amoxicilline hoặc Tetracycline 500 mg x 3 lần/ngày, cùng với Metronidazol 250 mg x 3 lần/ngày. Thời gian điều trị là 2 tuần, kết hợp với nhóm H2 receptor antagonist hoặc nhóm ức chế bơm Proton.

(2) New-Triple Therapy với Omeprazol 20 mg x 2 lần/ngày, cùng với Clarithromycine 250 mg x 2 lần/ngày và Metronidazol 500 mg x 2 lần/ngày, uống trong 1 tuần, ít gây phản ứng phụ nhưng đắt tiền hơn.

6. Điều trị bằng Y học cổ truyền

1. Thể Khí uất (trệ):
- Phép trị: Sơ Can, lý khí, giải uất, an thần.
- Những bài thuốc và công thức huyệt sử dụng:
+ Bài thuốc Sài hồ sơ can thang
: Sài hồ 12g, Xích thược 8g, Xuyên khung 6g, Trần bì 12g, Hương phụ 12g, Chỉ xác 8g, Cam thảo bắc 4g.

+ Bài thuốc Tiêu dao gia Uất kim gồm Sài hồ 8g, Bạch thược 8g, Phục linh 10g, Đương quy 8g, Bạch truật 8g, Sinh cam thảo 8g, Uất kim 6g.
+ Phương huyệt Trung quản, Túc tam lý, Lãi câu, Hành gian, Thiếu phủ, Thái xung, Thần môn ± Nội quan.
Kỹ thuật: bình châm Trung quản 15 phút, châm tả Lãi câu, Hành gian, Thái xung, Thần môn 5 phút.
2. Thể Hỏa uất:
- Phép trị: Thanh hỏa trừ uất.
- Những bài thuốc và công thức huyệt sử dụng:
+ Bài thuốc Hương cúc bồ đề nghệ gồm Hương phụ 8g, Cúc tần 12g, Mã đề 12g, Xương bồ 8g, Nghệ vàng 6g. Nhưng tăng liều Mã đề 20g hoặc gia thêm Bối mẫu 16g, Nhân trần 20g, Chi tử 12g, Bồ công anh 20g.
+ Bài thuốc Hóa can tiễn hợp với Tả kim hoàn.
+ Bài thuốc Thanh cao ẩm.
+ Phương huyệt như trong thể Khí uất (trệ), nhưng châm tả thêm Hợp cốc, Nội đình 1 phút.
3. Thể Huyết ứ:
- Phép trị: Hoạt huyết, tiêu ứ, chỉ huyết.
- Với mục đích: chống xung huyết và cầm máu ngoài tác dụng chống co thắt và chống tiết HCl dạ dày.
- Những bài thuốc và công thức huyệt sử dụng:
+ Bài thuốc Hương cúc bồ đề nghệ gồm Hương phụ 8g, Cúc tần 12g, Mã đề 12g, Xương bồ 8g, Nghệ vàng 6g. Gia Cỏ mực, Trắc bá diệp sao đen.
+ Bài thuốc Tiêu dao gia Uất kim gồm Sài hồ 8g, Bạch thược 8g, Phục linh 10g, Đương quy 8g, Bạch truật 8g, Sinh cam thảo 8g, Uất kim 6g. Gia Cỏ mực, Trắc bá diệp sao đen.
+ Bài Tứ vật đào hồng gồm Đương quy, Bạch thược, Xuyên khung, Sinh địa, Đào nhân, Hồng hoa gia Cỏ mực, Trắc bá diệp sao đen.
Cụ thể trong chứng Vị quản thống thể Huyết ứ nên dùng bài Tiêu dao gia Uất kim hoặc Hương cúc bồ đề nghệ nhưng tăng liều Uất kim hoặc Khương hoàng 12g, Cỏ mực (sao đen) 12g, Trắc bá diệp (sao đen) 12g.
+
Phương huyệt nên châm tả Thái xung, Huyết hải, Hợp cốc. Nếu bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa có kèm rối loạn huyết động nên xử trí cấp cứu bằng y học hiện đại.
4. Thể Tỳ Vị hư hàn:
- Phép trị: Ôn trung kiện tỳ.
- Với mục đích: kích thích tiết dịch vị, điều hòa nhu động dạ dày ruột, cải thiện tuần hoàn niêm mạc dạ dày và kích thích tổng hợp Glucoprotein và Prostaglandine E2, I2.
- Những bài thuốc và công thức huyệt sử dụng:
+ Bài Hoàng kỳ kiến trung thang (Kim quỹ yếu lược) gồm Hoàng kỳ 10g, Can khương 6g, Cam thảo chích 8g, Bạch thược 8g, Hương phụ 8g, Cao lương khương 8g, Đại táo 3 quả. Gia Đại hồi 4g, Ích trí nhân 8g, Bạch đậu khấu 4g, Thảo quả 6g.


Các bài liên quan

Trọng Nghĩa Đường

Bắt mạch kê đơn thuốc, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt

Liên hệ

số 3 ngõ 4 ngách 4/22 Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội,
02435772733

Phụ trách chuyên môn

PSG Tiến sĩ Dương Trọng Nghĩa