Liên hệ: 02435772733 - 0972858186

THOÁI HÓA KHỚP

  1. Các giai đoạn thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp thường trải qua gồm 4 giai đoạn phát triển bệnh:

Giai đoạn 1: Biểu hiện không rõ ràng

Thoái hóa khớp thường bắt đầu ở đầu gối, sụn khớp có thể bị ảnh hưởng nhẹ. Giai đoạn này, người bị thoái hóa khớp gối thường không cảm thấy bị đau nhức, chưa thấy triệu chứng rõ ràng. Bệnh nhân vẫn đi lại bình thường, chỉ những trường hợp hoạt động quá nhiều, đứng lên ngồi xuống liên tục thì mới cảm thấy khớp gối hơi đau. Nếu chụp X-quang thì vẫn chưa phát hiện ra sự bất thường ở khớp.

Giai đoạn 2: Biểu hiện nhẹ

Đến giai đoạn 2, người bệnh sẽ cảm nhận được các triệu chứng đau của thoái hóa khớp. Tuy nhiên, giai đoạn này, bệnh chỉ mới tiến triển ở mức độ nhẹ, lớp sụn khớp chưa bị tổn thương nhiều, bao hoạt dịch vẫn hoạt động bình thường nên vẫn cung cấp đủ dịch khớp để nuôi dưỡng lớp sụn và bôi trơn ở khớp. Vì vậy, hoạt động của khớp vẫn bình thường.

Tuy nhiên, với những người bị thoái hóa khớp ở giai đoạn này sẽ hình thành các gai xương nhỏ nên khi vận động các gai xương này sẽ chạm vào các mô trong khớp nên cảm nhận đau mỏi khi vận động nhiều. Người bệnh có cảm nhận các khớp xương của mình bị cứng, đau nhức khi trời lạnh hoặc khi ngủ dậy. Ở giai đoạn này khi chụp X-quang khớp đầu gối sẽ thấy sụn khớp bắt đầu hao mòn đi, hình ảnh gai xương và khe khớp hẹp đi.

Giai đoạn 3: Tổn thương rõ nét

Giai đoạn này, những tổn thương của sụn khớp đã bắt đầu phát triển, hình ảnh X-quang sẽ cho thấy khe khớp hẹp rõ, có nhiều gai xương kích thước vừa, lớp sụn khớp bị bào mòn nhiều, xương dưới sụn thậm chí bị biến dạng bề mặt khớp. Người bệnh bắt đầu cảm thấy đau và khó chịu khi thực hiện các hoạt động như đi bộ, chạy bộ, quỳ, leo cầu thang… Thoái hóa khớp phát triển, sụn khớp tiếp tục bị bào mòn và vỡ ra, xương phát triển dày lên ra bên ngoài, thành cục. Các mô khớp sẽ bị viêm và có thể tiết ra chất lỏng hoạt dịch, gây sưng, gọi là viêm bao hoạt dịch.

Giai đoạn 4: Biểu hiện nặng

Đây là giai đoạn bệnh nhân viêm khớp ở giai đoạn nặng và nghiêm trọng nhất. Các triệu chứng bệnh xuất hiện rõ ràng. Hình ảnh X-quang cho thấy khe khớp hẹp nhiều, gai xương kích thước lớn, các đầu xương khớp bị bào mòn hoàn toàn hoặc chỉ còn lại rất ít, chất nhầy xung quanh khớp bị giảm dần. Người bệnh bị cứng khớp, viêm, đau nhức, di chuyển khó khăn.

  1. Triệu chứng, biểu hiện thoái hóa khớp ở các vị trí

Thoái hóa khớp thường có các triệu chứng như đau khớp, cứng khớp, biến dạng khớp, teo cơ, có tiếng lạo xạo khi cử động, tràn dịch khớp làm vùng khớp bị tổn thương sưng to… Thoái hóa khớp thường xảy ra ở hầu hết các khớp, nhưng có một số vị trí phổ biến. Tùy thuộc vào vị trí thoái hóa khớp sẽ có những triệu chứng cụ thể đi kèm như sau:

Thoái hóa khớp gối

Bệnh thoái hóa khớp gối rất phổ biến vì loại khớp này luôn phải gánh chịu một trọng lực rất lớn để giữ cơ thể đứng vững, xoay và di chuyển.

Triệu chứng thường gặp: Đau ở phía trước và bên cạnh đầu gối. Khớp yếu đi khiến đầu gối khuỵu xuống khi phải chịu sức nặng. Người bệnh ngồi xổm và đứng dậy rất khó khăn, nặng hơn sẽ thấy tê chân, biến dạng nhẹ ở khớp gối.

Thoái hóa khớp háng

Thoái hóa khớp háng có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên.

Triệu chứng thường gặp: cảm giác đau sâu bên trong phía trước háng, cũng có thể đau ở bên cạnh hoặc phía trước đùi, ở sau mông và lan xuống đầu gối.

Thoái hóa khớp ngón tay, bàn tay

Bệnh thường tác động lên vùng gốc của ngón cái và các khớp ngón tay. Các khớp sưng đau, đặc biệt là khi bệnh vừa mới bắt đầu. Sau đó, các khớp khiến ngón tay có thể hình thành các nốt cứng, trở nên gồ ghề và cong nhẹ.

Thoái hóa cột sống thắt lưng

Là loại tổn thương cột sống thường gặp nhất, đôi khi ảnh hưởng đến thần kinh tọa khiến người bệnh có cảm giác đau rất mạnh từ lưng xuống mặt trong đùi và chân.

Giai đoạn đầu, bệnh nhân thấy đau nhiều khi mới ngủ dậy và thường diễn ra trong 30 phút. Sau đó, cơn đau sẽ giảm dần nhưng âm ỉ kéo dài cả ngày và thỉnh thoảng sẽ tăng lên khi người bệnh làm việc nhiều, khiêng vác nặng.

Thoái hóa cột sống cổ

Thoái hóa cột sống cổ có biểu hiện là cảm giác đau mỏi phía sau gáy, lan đến cánh tay ở phía có dây thần kinh bị chèn ép ảnh hưởng.

Thoái hóa bàn chân

Thoái hóa khớp ở bàn chân thường tác động vào gốc của ngón cái, có thể làm ngón này bị cứng lại hoặc cong vẹo, khiến cho việc đi đứng trở nên khó khăn và đau đớn.

Thoái hóa gót chân

Thoái hóa khớp ở gót chân thường làm bệnh nhân có cảm giác bị thốn ở gót vào buổi sáng, khi bước chân xuống giường và đi vài bước đầu tiên.

  1. Nguyên nhân chính thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp chính là sự mất quân bình giữa tái tạo và thoái hóa này của sụn khớp, xương dưới sụn khiến sụn khớp và xương dưới sụn bị tổn thương. Một số yếu tố có thể tác động đến quá trình này:

Tuổi tác: Thoái hóa khớp thường bắt đầu xuất hiện từ sau tuổi 40. Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn.

Béo phì: Béo phì dễ dẫn đến thoái hóa khớp, đặc biệt là khớp gối.

Tổn thương khớp: Khớp bị tổn thương hoặc hoạt động quá sức (khiêng vác, đi cầu thang bộ nhanh, nhiều).

Dị dạng bẩm sinh về khớp: Người có khớp bất thường bẩm sinh hoặc xảy ra lúc trẻ sẽ dẫn đến thoái hóa khớp sớm và trầm trọng hơn bình thường.

Gen di truyền: Một số bệnh khớp có liên quan đến gen di truyền.

  1. Chẩn đoán

Siêu âm khớp: Hình ảnh siêu âm sẽ cho biết tình trạng sụn khớp gối đang gặp phải: tràn màng dịch khớp, màng dịch khớp đang ở tình trạng nào, những mảnh vụn thoái hóa khớp…

Chụp MRI: Với phương pháp cộng hưởng từ sẽ cho bác sĩ thấy được những tổn thương ở màng hoạt dịch, sụn khớp và dây chằng.

Chụp X-quang: những hình ảnh chụp được từ X-quang cho thấy thoái hóa khớp đang ở giai đoạn nào. Mỗi giai đoạn sẽ có những biểu hiện rõ ràng: Giai đoạn 1 xuất hiện gai xương nhỏ; Giai đoạn 2: thấy rõ gai xương khớp; Giai đoạn 3: khe khớp bị hẹp vừa; Giai đoạn 4: khe khớp bị hẹp nhiều và xương dưới sụn bị vỡ.

Nội soi khớp: là phương pháp giúp bác sĩ quan sát trực tiếp những hư hại do thoái hóa sụn khớp. Từ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán mức độ thoái của khớp gối và có cách điều trị cắt lọc các tổ chức viêm thoái hóa trong khớp.
Lấy dịch khớp xét nghiệm: Đây là cách làm thông thường, đơn giản trong trường hợp bệnh nhân đang bị tràn dịch khớp gối. Bác sĩ sẽ chọc hút dịch để tiến hành điều trị khớp gối để đánh giá về cách bệnh lý về khớp.

  1. Điều trị thoái hóa khớp
    1. Điều trị bảo tồn, vật lý trị liệu

Phương pháp vật lý trị liệu: chườm nóng, xung điện, chiếu đèn hồng ngoại, dùng máy phát sóng ngắn, luyện tập cơ, khớp, xoa bóp… giúp giảm đau, chống viêm. Đồng thời, người bệnh cần nghỉ ngơi, tránh cho khớp vận động mạnh.

Dùng thuốc

Đối với những bệnh nhân nặng, bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng các phương pháp điều trị như thuốc tiêm, thuốc giảm đau, kháng viêm, giãn cơ. Các loại thuốc điều trị thoái hóa khớp phổ biến là hỗ trợ giảm đau, kháng viêm. Thuốc dùng qua đường uống, đường bôi, dán tại chỗ, hoặc đường tiêm trực tiếp vào ổ dịch.

Phẫu thuật

Trong những trường hợp bệnh nhân bị thoái hóa khớp nặng như biến dạng khớp, khớp cứng không cử động được, thoái hóa khớp kèm viêm bao hoạt dịch… không thể can thiệp bằng biện pháp thông thường, người bệnh sẽ được tư vấn phẫu thuật như: điều trị dưới nội soi khớp (cắt lọc, bào, rửa khớp), khoang kích thích tạo xương (microfracture), cấy ghép tế bào sụn, mổ thay khớp.

Các phương pháp điều trị khác

Ngoài ra, phương pháp điều trị thoái hóa khớp hiện nay còn nhắc đến liệu pháp tế bào gốc, liệu pháp Đông y.


Các bài liên quan

Trọng Nghĩa Đường

Bắt mạch kê đơn thuốc, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt

Liên hệ

số 3 ngõ 4 ngách 4/22 Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội,
02435772733

Phụ trách chuyên môn

PSG Tiến sĩ Dương Trọng Nghĩa