Liên hệ: 02435772733 - 0972858186

KINH TÚC DƯƠNG MINH VỊ

 

1. ĐƯỜNG TUẦN HÀNH

Từ ở cạnh mũi đi lên hai kinh hai bên gặp nhau ở gốc mũi ngang ra hai bên để giao với kinh Thái dương Bàng quang ở Tinh minh xuống dưới theo đường ngoài mũi vào hàm trên rồi đi vào mép, một mặt vòng môi trên giao với nhau ở mạch Đốc ( Nhân trung) mặt khác vòng môi dưới giao với mạch Nhâm (Thừa tương) rồi quay lại đi dọc phía dưới hàm dưới ra sau Đại nghinh đến trước góc hàm dưới vòng lên trước tai, giao với kinh Thiếu dương Đởm ở Thượng quan, lên bờ trước tai, giao với kinh Đởm (Huyền ly, Hàm yến), lên trên bờ góc trán rồi ngang theo chân tóc ra gặp mạch Đốc (Thần đình).

Từ trước huyệt Đại nghinh xuống cổ, dọc thanh quản, vào hố trên đòn (Khuyết bồn) thẳng qua vú, xuống bụng, đi hai bên mạch Nhâm xuống ống bẹn (Khí xung), theo cơ thẳng trước (Phục thỏ) ở đùi xuống gối (Độc tỵ) dọc phía ngoài xương chày, xuống cổ chân, mu chân rồi đi ra ở bờ ngoài góc móng ngón chân thứ hai.

Phân nhánh: Từ hố trên đòn (Khuyết bồn) xuyên cơ hoành (thuộc) về Vị, liên lạc với Tỳ.

- Từ môn vị dạ dày xuống bụng dưới, hợp với kinh chính ở ống bẹn.

- Từ Túc tam lý đi phía ngoài kinh chính xuống đến ngón chân giữa.

- Từ mu bàn chân (Xung dương) vào đầu ngón chân cái để nối với kinh Thái âm Tỳ ở chân.

2. CÁC HUYỆT CHÍNH: (mỗi bên có 45 huyệt)

 

1.THỪA KHẤP

(Huyệt Hội của Kinh Dương minh ở chân với mạch Dương kiểu và Nhâm mạch)

Vị trí: ở dưới mắt 0,7 tấc, từ con ngươi thẳng xuống (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).

Lấy ở chỗ gặp nhau của bờ dưới xương ổ mắt với đường dọc chính giữa mắt.

Giải phẫu: Dưới da là cơ vòng mi (giữa phần ổ mắt và phần mi của cơ này) ở sâu là cơ thẳng dưới, cơ chéo bé của mắt và nhãn cầu. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số VII và các nhánh cuả dây thần kinh sọ não số III. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng: -Tại chỗ: Đau mắt đỏ, sưng mắt, chảy nước mắt, quáng gà, liệt mặt., giật mi .

Cách châm cứu: Dùng một ngón tay đặt lên mi dưới, đẩy nhãn cầu lên trên, châm mũi kim chếch xuống dưới, dựa theo bờ ổ mắt, sâu 0,2-0,3 tấc, không vê kim. Không cứu.

Chú ý: Tránh châm vào nhãn cầu, hoặc vào mạch máu khu mi dưới vì dễ gây tụ máu

dưới da.

 

2. TỨ BẠCH

Vị trí: ở dưới mắt, từ con ngươi thẳng xuống 1 tấc (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Lấy ở thẳng con ngươi xuống 1 tấc

Giải phẫu: Dưới da là bờ dưới cơ vòng mi (phần ổ mắt) trên chỗ bám của cơ gò má nhỏ (một cơ thuộc cơ vuông môi trên). Chỗ tiếp khớp của xương gò má với xương hàm trên. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh sọ não số VII. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng: -Tại chỗ:Đau mắt đỏ (viêm màng tiếp hợp, viêm cũng mạc), mi mắt co giật, hoa mắt, liệt mặt.

Cách châm cứu: Châm sâu 0,2-0,3 tấc. Không nên cứu. Khi cần cứu không được cứu thành sẹo.

 

3. CỰ LIÊU

( Huyệt Hội của kinh Dương minh ở chân với mạch Dương kiểu)

Vị trí: ở cách ngoài lỗ mũi độ 0,8 tấc, thẳng con ngươi xuống, ngang với huyệt Nhân trung (Giáp ất, Loại kinh, Đại thành)

Lấy ở điểm gặp nhau của đường dọc qua chính giữa mắt với rãnh mũi - má ( bảo người bệnh cười cho hiện rõ rãnh mũi - má để lấy huyệt)

Giải phẫu: Dưới da là cơ gò má nhỏ, cơ nâng cánh mũi và môi trên (cơ vuông môi trên) vào sâu có cơ nanh, xương hàm trên. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh sọ não số VII. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng: - Tại chỗ: Liệt mặt, giật mi mắt, sưng má, đau răng.

Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 10-20 phút.

Chú ý: không cứu thành sẹo.



 

4. ĐỊA THƯƠNG

( Huyệt Hội của kinh Dương minh ở chân với kinh Dương minh ở tay và mạch Dương kiểu)

Vị trí: Ở cách mép 0,4 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Kẻ đường ngang qua 2 mép, huyệt ở điểm đường này gặp rãnh mũi mép ( bảo người bệnh cười cho hiện rõ rãnh mũi - mép mà lấy huyệt)

Giải phẫu: Dưới da là chỗ đan chéo thớ của các cơ vòng môi, cơ gò má lớn, cơ cười, cơ tam giác môi, vào sâu có cơ mút và cơ nanh. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh sọ não số VII. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh não số V.

Tác dụng: -Tại chỗ: Liệt mặt, đau dây thần kinh sinh ba (dây TK số V), chảy rãi, chốc mép

Cách châm cứu: Chữa liệt mặt thì châm luồn kim dưới da hướng mũi kim về huyệt Giáp xa, sâu 0,7- 1 tấc. Chữa các bệnh khác châm thẳng, sâu 0,2-0,3 tấc. Cứu 10-20 phút.

Chú ý: Không cứu thành sẹo.

 

5. ĐẠI NGHÊNH

Vị trí: Ở trước xương quai hàm 1,3 tấc, trong chỗ lõm của xương, có động mạch (Giáp ất, Loại kinh, Đại thành)

Bảo người bệnh cắn chặt răng cho cơ cắn rõ, sờ tìm bờ trước cơ cắn, lấy huyệt ở bờ trước cơ và trên bờ dưới xương hàm dưới một ngang ngón tay, ngay trên rãnh động mạch mặt.

Giải phẫu: Dưới da là bờ dưới cơ cười, cơ mút, sát bờ trước cơ cắn. Rãnh động mạch mặt của xương hàm dưới. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh sọ não số VII và số V. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng: - Tại chỗ: Liệt mặt, sưng má, đau răng.

Cách châm cứu: Mũi kim hướng về huyệt Giáp xa sâu 0,3-0,5 tấc. Cứu 10-20 phút.

Chú ý: Tránh châm vào động mạch. Không cứu thành sẹo.

 

6. GIÁP XA

Vị trí: Ở dưới tai 0,8 tấc, đầu xương quai hàm, gần chỗ lõm phía trước (Giáp ất, Loại kinh, Đại thành)

Bảo người bệnh cắn chặt răng, lấy huyệt ở chỗ cơ cắn nổi lên cao nhất. Khi không cắn răng chỗ đó lõm xuống, ấn vào có cảm giác ê tức. Ở trước góc hàm và ở trên bờ dưới xương hàm dưới 1 ngang ngón tay.

Giải phẫu: Dưới da là cơ cắn, xương hàm dưới. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số V. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng: Tại chỗ: Liệt mặt, cứng hàm, đau răng, quai bị.

Cách châm cứu: Chữa liệt mặt châm luồn kim dưới da, mũi kim hướng về phía Địa thương.

Chữa đau răng mũi kim hướng về răng đau. Chữa bệnh khác châm thẳng sâu 0,3-0,4 tấc.

Cứu 10-20 phút. Không cứu thành sẹo. Ôn châm cùng với huyệt Địa thương và Tinh minh để chữa liệt mặt ngoại biên. Châm đắc khí thấy căng tức tại chỗ.

 

7. HẠ QUAN

( Huyệt Hội của kinh Dương minh và Thiếu dương ở chân)

Vị trí: Ở dưới huyệt Khách chủ nhân (Thượng quan) mé dưới động mạch, ngậm chặt miệng thì lõm xuống, há miệng ra thì đầy lên (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).

Sờ tìm góc phía trước của mỏm tiếp xương Thái dương và lồi cầu xương hàm dưới bảo người bệnh ngậm miệng lấy huyệt ở trong góc này.

Giải phẫu: Dưới da là tuyến mang tai, chỗ bám của bờ sau cơ nhai lớp sâu có cơ chân bướm ngoài.Thần kinh vận động cơ là dây thần kinh sọ não số V. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng: Tại chỗ: Đau cứng hoặc trật khớp hàm, đau răng, liệt mặt, ù tai.

Cách châm cứu: Châm thẳng sâu 0,2-0,3 tấc. Cứu 5-10 phút. Không cứu thành sẹo.

 

8. ĐẦU DUY

( Huyệt Hội của kinh Dương minh ở chân với kinh Thiếu dương ở chân và mạch Dương duy)

Vị trí: Ở góc trán vào trong chân tóc, ngoài huyệt Bản thần 1,5 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).

Từ huyệt Thần đình ngang ra 4,5 tấc, lấy huyệt ở trên đường khớp trán - đỉnh.

Giải phẫu: Dưới da là chỗ cơ thái dương dính vào cân sọ, dưới cân sọ là xương sọ. Thần kinh vận động cơ là nhánh dây thần kinh sọ não số V. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng: Tại chỗ: Đau đầu (vùng thái dương trán), đau mắt, chảy nước mắt, giật mi mắt.

Cách châm cứu: Châm luồn kim dưới da, sâu 0,5-0,7 tấc.

Chú ý: Châm đắc khí thấy căng tức, tê tại chỗ, hoặc lan rộng một mảng đầu. Nếu châm vào màng xương thì đau buốt. Không cứu.

 

9. NHÂN NGHÊNH

( Huyệt Hội của các kinh Dương minh và Thiếu dương ở chân)

Vị trí: Ở động mạch lớn bên cổ, sờ thấy mạch đập, phía ngoài yết hầu 1,5 tấc (Phát huy, Đại thành).

Lấy ở điểm gặp nhau của bờ trước cơ ức đòn chũm và đường ngang qua chỗ lồi nhất của Yết hầu. Dưới huyệt sờ thấy động mạch cảnh đập.

Giải phẫu: Dưới da là bờ trước cơ ức đòn chũm, bó mạch thần kinh cảnh, lớp sâu là cơ bậc thang, cơ đổ dài và cơ góc. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số XI và XII, các nhánh của đám rối thần kinh cổ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C3.

Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau sưng họng, mất tiếng đột ngột, lao hạch.

- Toàn thân: Hen suyễn, tức ngực, cao huyết áp.

Cách châm cứu: Sách Đồng nhân nói cấm châm (có thể chết người). Ngày nay dùng kim nhỏ có thể châm nông, không kích thích mạnh và phải lấy tay đẩy động mạch sang một bên để tránh châm vào động mạch.

Chú ý: dễ bị say kim và chảy máu.

 

10.THỦY ĐỘT

Vị trí: Ở trước ngấn lớn trên cổ, thẳng dưới huyệt Nhân nghênh trên huyệt Khí xá (Gíáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).

Lấy ở bờ trước cơ ức đòn chũm chính giữa huyệt Nhân nghênh và huyệt Khí xá

Giải phẫu: Dưới da là bờ trước cơ ức đòn chũm, khe giữa các cơ vai móng, ức móng, ức giáp, vào sâu có bó mạch thần kinh cảnh, cơ cổ dài, cơ bậc thang trước. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh sọ não số XI và số XII, các nhánh của đám rối thần kinh cổ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C3.

Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau, sưng họng, tràng nhạc.

- Toàn thân: Ho, hen, khó thở.

Cách châm cứu: Châm 0,2 - 0,3 tấc. Cứu 5 - 15 phút.

Chú ý: Tránh châm sâu vì có thể châm vào bó mạch cảnh ở sau cơ vai móng gây chảy máu.

 

11. KHÍ XÁ

Vị trí: Ở trong chỗ lõm ở cổ, chỗ thẳng huyệt Nhân nghênh xuống ngang với huyệt Thiên Đột (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).

Lấy ở chỗ lõm sát bờ trên xương đòn, khe giữa bó bám vào xương ức và bó bám vào xương đòn của cơ ức đòn chũm.

Giải phẫu: Dưới da là khe giữa bó ức và bó đòn cơ ức đòn chũm, vào sâu là cơ ức đòn móng và ức giáp. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh sọ não số XI và XII, nhánh của dây thần kinh cổ 2. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C2.

Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau sưng họng, tràng nhạc, bướu cổ.

-Toàn thân: hen, suyễn, khó thở.

Cách châm cứu: Châm 0,2-0,4 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Không châm sâu và kích thích mạnh vì có thể gây tổn thương bó mạch thần kinh cảnh.

 

12. KHUYẾT BỔN

Vị trí: Ở trong chỗ lõm xương đòn dưới vai (Giáp ất)

Lấy ở chỗ lõm sát bờ trên xương đòn, thẳng núm vú lên, trong khe giữa cơ ức đòn chũm và cơ thang.

Giải phẫu: Dưới da là hố trên đòn có các cơ bậc thang và cơ vai móng.

Thần kinh vận động cơ là các nhánh trước của dây thần kinh số 3, 4, 5 và nhánh của dây thần kinh sọ não số XII. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đọan thần kinh C3.

Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau sưng cổ họng, đau bụng, tức ngực.

- Toàn thân: ho, hen suyễn.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,4 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Không châm sâu và kích thích mạnh vì có thể châm vào đỉnh phổi, dễ bị say kim hoặc gây tổn thương phổi.

 

13. KHÍ HỘ

Vị trí: Ở dưới xương đòn, trong chỗ lõm xuống, cách hai bên huyệt Du phủ 2 tấc, từ giữa ra 4 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Lấy ở trên bờ trên xương sườn 1 và ở trên đường thẳng đứng qua núm vú, cách mạch Nhâm 4 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là cơ bám da cổ, cơ ngực to, cơ dưới đòn, bờ trên xương sườn 1, đỉnh phổi. Thần kinh vận động cơ là nhánh cơ bám da của thần kinh mặt, nhánh cơ ngực to và cơ dưới đòn của đám rối thần kinh nách. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C4.

Tác dụng: Tại chỗ và toàn thân: Ho, suyễn, ngực sườn đầy tức.

Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Không châm sâu vì có thể vào phổi gây tai biến.

 

14. KHỐ PHÒNG

Vị trí: Ở trong chỗ lõm dưới huyệt Khí hộ 1,6 tấc cách đường giữa ngực 4 tấc (Đại thành)

Lấy ở trên bờ trên xương sườn 2 và ở trên đường thẳng đứng qua núm vú, cách mạch Nhâm 4 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là cơ ngực to, các cơ gian sườn 1, bờ trên xương sườn 2, đỉnh phổi. Thần kinh vận động cơ là nhánh ngực to của đám rối thần kinh nách, dây thần kinh gian sườn1. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C4.

Tác dụng: Tại chỗ và toàn thân: Ho, ngực sườn đầy tức, ít-tê-ri.

Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Kết hợp châm tả Khố phòng với châm bổ Thiếu hải và Thân mạch để chữa it-tê-ri. Không châm sâu vì có thể vào phổi gây tai biến.

 

15. ỐC Ế

Vị trí: Ở giữa chỗ lõm dưới huyệt Khố phòng 1,6 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).

Lấy huyệt ở trên bờ trên xương sườn 3 và ở trên đường thẳng đứng qua núm vú cách Mạch Nhâm 4 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là cơ ngực to, bờ trên cơ ngực bé các cơ gian sườn 2, bờ trên xương sườn 3, trong sâu có phổi. Thần kinh vận động cơ là nhánh cơ ngực to, nhánh cơ ngực bé của đám rối thần kinh nách dây thần kinh gian sườn 2. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D2.

Tác dụng: Tại chỗ và toàn thân: Đau vú, ho, suyễn, ngực sườn đầy tức.

Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Không châm sâu, vì có thể vào phổi và tim gây tai biến.

 

 

16. ƯNG SONG

Vị trí: Ở chỗ lõm, dưới huyệt Ốc ế 1,6 tấc, cách đường giữa ngực 4 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).

Lấy ở trên bờ sườn 4, thẳng đầu núm vú lên, cách mạch Nhâm 4 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là cơ ngực to, cơ ngực bé các cơ gian sườn 3, bờ trên xương sườn 4, phổi và tim ở bên trái. Thần kinh vận động cơ là nhánh ngực to, nhánh ngực bé của đám rối thần kinh nách, dây thần kinh gian sườn 3. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D3.

Tác dụng: Tại chỗ và toàn thân: Đau vú, ho, suyễn, ngực sườn đau tức.

Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Không châm sâu, vì có thể vào phổi và tim gây tai biến nguy hiểm nhất là bên trái


17. NHŨ TRUNG

Vị trí:


Trọng Nghĩa Đường

Bắt mạch kê đơn thuốc, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt

Liên hệ

số 3 ngõ 4 ngách 4/22 Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội,
02435772733

Phụ trách chuyên môn

PSG Tiến sĩ Dương Trọng Nghĩa