Liên hệ: 02435772733 - 0972858186

HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn thường gặp có ảnh hưởng đến ruột già (đại tràng). Người bệnh thường có các triệu chứng đau bụng, đầy hơi, mót rặn, đi phân nát nhiều lần, đại tiện táo lỏng xen kẽ có thể có nhầy phân. Bệnh thường xuyên tái phát và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt cũng như sức khỏe hàng ngày của người bệnh, tuy nhiên hội chứng ruột kích thích không gây ra viêm nhiễm hay những thay đổi trong mô ruột hoặc làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Theo Đông y, hội chứng ruột kích thích được xếp vào các chứng: tiết tả, phúc thống, phúc chướng, tiện bí. Nguyên nhân bệnh là do rối loạn công năng các tạng phủ đặc biệt là tỳ vị, thận, can và các yếu tố đàm thấp, huyết ứ.

NGUYÊN NHÂN HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra kết luận về nguyên nhân chính xác gây nên hội chứng ruột kích thích. Nhưng rất nhiều yếu tố liên quan mật thiết đến bệnh đã được xác định:

  • Stress: trạng thái căng thẳng thần kinh do suy nghĩ, lo âu quá nhiều khiến các triệu chứng xuất hiện hoặc biểu hiện nặng hơn.
  • Thực phẩm: hội chứng ruột kích thích có thể xuất hiện khi ăn một số thực phẩm nhất định. Điều này tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người.
  • Nhiễm khuẩn đường tiêu hoá.
  • Tác dụng phụ khi sử dụng kháng sinh.
  • Sự thay đổi nồng độ hormone trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Yếu tố di truyền.
YẾU TỐ NGUY CƠ

Nhiều người rất hiếm có các dấu hiệu và triệu chứng của HCRKT nhưng vẫn có nhiều khả năng bị HCRKT nếu bạn:

  • Trẻ tuổi: HCRKT có xu hướng xảy ra ở những người dưới 45 tuổi;
  • Là phụ nữ: nhìn chung, phụ nữ bị tình trạng này cao hơn nam giới gấp hai lần;
  • Có tiền sử gia đình bị HCRKT: các nghiên cứu cho thấy những người có thành viên gia đình bị HCRKT có thể tăng nguy cơ mắc bệnh;
  • Có vấn đề về sức khỏe tinh thần: lo lắng, trầm cảm, rối loạn nhân cách và tiền sử lạm dụng tình dục ở thời kỳ trẻ em đều là các yếu tố nguy cơ. Đối với phụ nữ, bạo hành gia đình cũng có thể là yếu tố nguy cơ.

TRIỆU CHỨNG BỆNH HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH

bao gồm các thể chính: đau bụng, táo bón và tiêu chảy.

  • Đau bụng: Đau không có đặc điểm gì cụ thể, không có vị trí nhất định, có thể đau dọc khung đại tràng, đau nhiều hơn sau khi ăn hoặc đôi khi chưa ăn xong đã có cảm giác đau, khi ăn thức ăn lạ, thức ăn để lâu. Nhiều trường hợp cũng có thể đau do lạnh bụng. Cảm giác đau có thể chỉ diễn biến 1-2 ngày nhưng cũng có thể kéo dài nhiều ngày triền miên, một tháng có thể đau vài lần nhưng cũng có người bệnh nhiều tháng mới đau một lần.
  • Táo bón và tiêu chảy: Phân táo thường kèm theo nhầy bọc ngoài phân. Một điểm cần lưu ý là phân trong trường hợp này không bao giờ lẫn máu, nếu có thì chắc chắn không phải là hội chứng ruột kích thích.

Ngoài các triệu chứng chính kể trên, các rối loạn khác có thể gặp phải là:

  • Bụng đầy hơi, cảm giác nặng bụng.
  • Nhức đầu.
  • Mất ngủ.
  • Trung tiện nhiều, cảm giác đi chưa hết phân.

CHẨN ĐOÁN HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH

  • Dựa vào lâm sàng, theo tiêu chuẩn Rome
  • Sàng lọc các nguyên nhân thực thể bằng các xét nghiệm cơ bản và nội soi trực tràng hoặc đại tràng
  • Các xét nghiệm khác cho bệnh nhân có dấu hiệu nguy hiểm (ví dụ, máu tươi trong phân, sút cân, sốt)

Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích dựa trên triệu chứng đại tiện (táo bón hay tiêu chảy), thời gian và đặc điểm của đau, và loại trừ các bệnh khác thông qua khám và các xét nghiệm chẩn đoán thông thường.

 

PHÒNG NGỪA BỆNH HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH

Vì nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích vẫn chưa rõ ràng nên chưa có nguyên tắc chuẩn mực nào để phòng tránh. Tuy nhiên, có thể thực hiện các phương pháp sau để giảm thiểu nguy cơ:

  • Có chế độ ăn uống khoa học: Cố gắng ăn vào thời gian cố định trong ngày và không bỏ bữa.
  • Bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ như rau củ quả.
  • Tránh các thực phẩm nhiều chất béo, dầu mỡ, thực phẩm khó dung nạp lactose, thực phẩm cay.
  • Uống nhiều nước.
  • Tránh các đồ uống có ga và các chất kích thích như rượu, bia, cà phê.
  • Không ăn thức ăn để lâu hoặc điều kiện bảo quản không tốt.
  • Không ăn thức ăn khó tiêu, dễ gây đầy hơi: khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả nhiều đường như cam, quýt, xoài, mít.
  • Sử dụng thuốc tiêu chảy và thuốc nhuận tràng theo kê toa của bác sĩ.
  • Tập thể dục thường xuyên, cố gắng có những vận động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày.
  • Luyện tập thư giãn, không để bị trầm cảm, lo lắng quá mức.

ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH

Để trị dứt điểm hội chứng ruột kích thích chế độ ăn uống sinh hoạt là rất quan trọng. Trước tiên cần kiêng khem những thức ăn dễ gây dị ứng như tôm, cua, cá và những thức ăn khó tiêu, dễ sinh hơi như khoai lang,... Đa số người mắc rối loạn cơ năng đại tràng hay hội chứng ruột kích thích thường bị thiếu lactase (là enzyme phân giải đường lactose) nên cần tránh các loại thức ăn có loại đường này.

  1. với người bị táo bón thì cần bổ sung thực phẩm chống táo, đối với người bị tiêu chảy thì có thể sử dụng các thức ăn đặc dễ tiêu. Khi ăn cần phải nhai kỹ, ăn từ từ, không nên ăn quá no.

Luyện tập đi ngoài ngày một lần vào buổi sáng, có thể xoa bóp bụng trước khi đi ngoài để kích thích gây cảm giác đi ngoài.

Bên cạnh đó, có thể dùng các thuốc điều trị hội chứng ruột kích thích cụ thể với từng triệu chứng:

  • Chống đau: dùng các thuốc chống co thắt loại hướng cơ như Spasfon, Duspatalin,...
  • Chống táo bón: dùng các thuốc nhuận tràng như Forlax, Duphalac, Tegaserod,...
  • Chống ỉa chảy: Smecta, Imodium, Actapulgite,...
  • Chống sinh hơi: Meteospasmyl, Pepsane,...
  • Thuốc an thần: Rotunda, Seduxen, Dogmatil,...
  • Thuốc triệt khuẩn ruột: tuy vi khuẩn không đóng vai trò quan trọng trong bệnh này nhưng ít nhiều có tham gia, tạo nên vòng luẩn quẩn. Tiêu chảy và táo bón đều tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, khi vi khuẩn phát triển mạnh mẽ sẽ làm tăng tiêu chảy và trướng bụng. Tuỳ thuộc vào mức độ mà có thể dùng các loại thuốc khác nhau: Berberin, Ganidan, Biseptol,..

 


Các bài liên quan

  • BÀI THUỐC ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH

    Theo Đông y, hội chứng ruột kích thích được xếp vào các chứng: tiết tả, phúc thống, phúc chướng, tiện bí. Nguyên nhân bệnh là do rối loạn công năng các tạng phủ đặc biệt là tỳ vị, thận, can và các yếu tố đàm thấp, huyết ứ.

    Xem thêm

Trọng Nghĩa Đường

Bắt mạch kê đơn thuốc, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt

Liên hệ

số 3 ngõ 4 ngách 4/22 Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội,
02435772733

Phụ trách chuyên môn

PSG Tiến sĩ Dương Trọng Nghĩa