Liên hệ: 02435772733 - 0972858186

1. PHÂN LOẠI
Có hai loại rối loạn tiền đình là rối loạn tiền đình ngoại biên và rối loạn tiền đình trung ương. Trong đó, 90-95% bệnh nhân bị rối loạn tiền đình ngoại biên, còn lại là rối loạn tiền đình trung ương.

    1. Hội chứng tiền đình ngoại biên
      Tổn thương xảy ra ở bộ phận nhận cảm, dây thần kinh cho đến nhân tiền đình.
      – Triệu chứng chủ quan: Chóng mặt dữ dội, xảy ra từng cơn.
      – Triệu chứng khách quan mang tính chất toàn diện và hòa hợp:
      + Toàn diện: Tất cả các rối loạn tiền đình đều hiện diện như rung giật nhãn cầu (ngang – xoay tròn), lệch các ngón tay, rối loạn tĩnh trạng, rối loạn dáng đi.
      + Hòa hợp: Các triệu chứng đều cùng về một phía thường là bên bệnh. Thường kèm theo các rối loạn thính giác như ù tai, giảm thính lực.
    2. Hội chứng tiền đình trung ương
      Tổn thương nhân tiền đình hoặc các đường liên hệ nhân tiền đình với hệ thần kinh trung ương.
      – Triệu chứng không điển hình như trong tổn thương tiền đình ngoại biên, có sự khác biệt rõ rệt so với hội chứng tiền đình ngoại biên.
      + Không có ù tai, điếc tai hay tổn thương dây VIII đi kèm:
      * Do tổn thương nằm xa đường ốc tai và dây VIII.
      * Chóng mặt chỉ là triệu chứng thứ yếu.
      * Mất thăng bằng mới là triệu chứng quan trọng nhất.
      + Các dấu hiệu khách quan thường hằng định:
      * Rung giật nhãn cầu thường tự phát và đơn thuần: Đứng dọc trong tổn thương cuống não, ngang trong tổn thương cầu não và xoay tròn trong tổn thương hành não.
      + Triệu chứng không toàn diện: Vì không có đủ cùng lúc các dấu hiệu.
      + Mất hòa hợp rất rõ: Rung giật nhãn cầu có thể có nhiều hướng, chiều chậm có thể không cùng chiều với ngón tay chỉ lệch và với chiều ngã về một bên trong nghiệm pháp Romberg.
      + Có thể hiện diện các tổn thương thần kinh: Như dấu hiệu tiểu não, tổn thương thân não (Dấu hiệu tháp: Yếu liệt, tổn thương vận nhãn).
  1. NGUYÊN NHÂN
    1. Hội chứng tiền đình ngoại biên

Do huyết áp thấp, tai biến, thiếu máu, các bệnh về tim mạch,... gây tắc nghẽn mạch máu, lượng máu lên não kém.

Do căng thẳng, mất ngủ, áp lực công việc làm tổn thương hệ thống thần kinh. Khi dây thần kinh số 8 bị tổn hại thì hệ thống tiền đình sẽ nhận được thông tin không chính xác và sẽ hoạt động sai, rối loạn.

Do hậu quả của các bệnh như u não, u dây thần kinh, viêm dây thần kinh, viêm tai giữa, bệnh Ménière, viêm mê nhĩ...

Bệnh hay gặp ở người cao tuổi bị suy giảm chức năng một số cơ quan.

Người quá béo hoặc quá gầy đều có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình.

Bị mất máu nhiều, quan hệ tình dục không đều đặn, uống quá nhiều rượu bia, cơ thể nhiễm độc hoặc sử dụng một số loại thuốc,... cũng là nguyên nhân gây rối loạn tiền đình.

Thường xuyên sống trong môi trường có quá nhiều tiếng ồn, thời tiết chuyển mùa (nóng - lạnh đột ngột), ít vận động,...

    1. Rối loạn tiền đình trung ương

Có sự tổn thương nhân tiền đình, tổn thương đường liên hệ của các nhân dây tiền đình ở thân não, tiểu não, thiếu máu não hệ sống nền, khối máu tụ vùng hố sau, u thân não, bệnh xơ cứng rải rác, sử dụng thuốc làm tổn thương các đường tiền đình trung ương ví dụ như thuốc chống động kinh.

  1. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh thường nhẹ như mất ngủ, người mệt mỏi, vì thế ít bệnh nhân để ý điều trị bệnh. Thời gian sau, những người bị rối loạn tiền đình sẽ thấy mọi vật xung quanh nhưng sẽ có cảm giác không bình thường, trở mình thấy lao đao, ngồi dậy khó khăn, nhất là vào buổi đêm về sáng. Rối loạn thị giác như nhìn mờ, hoa mắt, nhạy cảm với ánh sáng. Có trường hợp kèm theo rối loạn thính giác như ù tai. Trường hợp diễn biến nặng có thay đổi nhận thức hoặc tâm lý như lo lắng quá mức, khó tập trung, giảm khả năng chú ý...


1. Triệu chứng chủ quan:

1.1. Chóng mặt
- Là triệu chứng chủ yếu. BN có cảm giác bị dịch chuyển, mọi vật xung quanh xoay tròn, hoặc chính bản thân BN xoay tròn so với những vật xung quanh. BN có thể cảm thấy chóng mặt, quay cuồng, choáng váng; thậm chí không thể bước đi, dễ ngã do mất cân bằng và mất định hướng không gian.

* Phân biệt các tình trạng chóng mặt

- Chóng mặt thật sự: Là cảm giác đồ vật xoay quanh bệnh nhân (chóng mặt khách quan) hoặc bệnh nhân xoay quanh đồ vật (chóng mặt chủ quan). Chóng mặt thật sự luôn luôn là một tổn thương tiền đình (trung ương hoặc ngoại vi).

- Cảm giác chóng mặt: Là cảm giác bị dịch chuyển trong không gian, tuy không rõ nét như chóng mặt thật sự nhưng nếu nó xảy ra chỉ khi quay đầu hoặc nặng lên rõ rệt khi quay đầu thì tổn thương thường cũng có nguồn gốc từ tiền đình.

- Cảm giác mất thăng bằng: Cảm giác này không kèm theo bất kỳ cảm giác khác lạ nào trong đầu. Nó có thể có nguồn gốc từ tiền đình, nhưng cũng có thể có nguồn gốc từ tiểu não, từ cảm giác sâu (cảm giác bản thể), từ hệ thị giác.

- Cảm giác sợ hãi muốn ngã: Hầu như trong đa số trường hợp có nguồn gốc từ tâm lý.

- Cảm giác choáng váng, cảm giác hoa mắt: Thường tương ứng với những bệnh lý tim mạch hoặc bệnh tâm thần.

1.2. Triệu chứng khách quan
a) Rung giật nhãn cầu (nystagmus): là triệu chứng chủ yếu
- Rung giật nhãn cầu nhãn cầu do nguyên nhân tiền đình thường đánh theo nhịp. Đó là cử động của nhãn cầu theo nhịp gồm sự nối tiếp nhau giữa hai pha: pha chậm đưa nhãn cầu sang một phía (do tác động của hệ tiền đình), kế đến là pha nhanh đưa nhãn cầu theo chiều ngược lại, đưa mắt về vị trí nghỉ ngơi (do tác động của chất lưới cầu não).
b) Rối loạn thăng bằng
Các rối loạn tĩnh trạng: chú ý đến sự di lệch của thân, trục cơ thể: sự di lệch này đi theo hướng của dòng nội dịch.
- Dấu Romberg: khi BN đứng, hai chân khép lại, ta sẽ thấy thân mình BN nghiêng về một bên, hiếm hơn là nghiêng ra phía trước hoặc phía sau nhưng thuờng là cùng một phía đối với một BN. Rối loạn này tăng lên khi BN nhắm mắt (dấu Romberg tiền đình). Nếu nặng hơn, BN có thể bị té ngã, đôi khi xảy ra đột ngột, lúc này đứng và đi không thể thực hiện được.
- Ngoài ra còn phải khám thêm về thần kinh xem bệnh nhân có tổn thương dây VIII thính lực, dây VII, dây V, tổn thương tiểu não, và các tổn thương về vận động, cảm giác.

4. CHẨN ĐOÁN:

Để chẩn đoán bệnh ngoài các triệu chứng lâm sàng cần kết hợp với một số xét nghiệm khác:

– Các xét nghiệm cơ bản như chức năng thận, chức năng gan, xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường, rối loạn lipid máu…

– Chụp X quang cột sống cổ.

– Siêu âm Doppler động mạch cảnh, đốt sống để xác định các mảng xơ vữa, bóc tách động mạch gây hẹp mạch, tắc mạch…

– Chụp CLVT sọ não, CHT sọ não tìm các tổn thương như u góc cầu tiểu não, áp xe não…

– Ghi biểu đồ điện của rung giật nhãn cầu.

– Nghiệm pháp quay.

– Ghi điện thế khêu gợi thính giác.

  1. ĐIỀU TRỊ

Điều trị trong cơn cấp: nằm tại giường là phương pháp điều trị tốt nhất vì bệnh nhân có thể tìm ra một tư thế thích hợp để chóng mặt ít xảy ra nhất.
1. Điều trị nguyên nhân: Tùy nguyên nhân mà cách điều trị khác nhau, có thể dùng thuốc hoặc phẫu thuật.

2. Điều trị triệu chứng:

2.1. Dẫn xuất của Acetyl leucine:

+ Taganin (Acetyl-AL-Leucine) 500mg, dạng viên (4v/ngày) hoặc tiêm tĩnh mạch (2 ống/ngày).

2.2. Kháng Histamin (Antihistamine)

+ Meclizine (Antivert, Bonine): 25 - 50mg mỗi 4 - 6 giờ

+ Dimenhydrinate: 50mg uống, tiêm, bắp mỗi 4 - 6 giờ

+ Betaserc (betahistidin dihydrochloride): viên 8, 16, 24 mg. Uống 32mg/ngày.

2.3. Kháng Cholinergic (Anticholinergic)

+ Scopolamine: 0,6mg uống mỗi 4 - 6 giờ

2.4. Đồng vận giao cảm (Sympathomimetic):

+ Amphetamine, Ephedrine.

6. PHÒNG BỆNH

- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. Với những người làm việc ở văn phòng, ngồi nhiều giờ bên máy tính liên tục nên thường xuyên tập các bài tập vận động vùng cổ, gáy.

- Giảm căng thẳng âu lo.

- Tránh đọc sách báo khi ngồi ô tô nên ngồi hoặc nằm ngay xuống khi thấy chóng mặt.

- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Tránh để tình trạng cơ thể quá thiếu nước.

- Hạn chế uống bia, rượu, hút thuốc lá.

- Đối với những người bị rối loạn tiền đình nên chú ý hoạt động vùng đầu cổ cẩn thận.

- Không nên quay cổ đột ngột hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh.

- Khi có dấu hiệu của bệnh rối loạn tiền đình, nên đến gặp và điều trị đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý điều trị.


Các bài liên quan

  • BÀI THUỐC ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG TIỀN ĐÌNH

    Rối loạn tiền đình được mô tả trong chứng Huyễn vựng. Huyễn vựng là thuật ngữ ghép giữa 2 cụm từ: Mục huyễn và Đầu vựng. Mục huyễn là chỉ hiện tượng hoa mắt như nảy đom đóm, nhìn đồ vật như có màn che…đây là triệu chứng đặc trưng. Đầu vựng là chỉ cảm giác cơ thể hay đồ vật bên ngoài chao đảo, chỗ đứng tròng trành. Hai triệu chứng này thường hay kết hợp với nhau gọi là Huyễn Vựng

    Xem thêm

Trọng Nghĩa Đường

Bắt mạch kê đơn thuốc, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt

Liên hệ

số 3 ngõ 4 ngách 4/22 Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội,
02435772733

Phụ trách chuyên môn

PSG Tiến sĩ Dương Trọng Nghĩa