Liên hệ: 02435772733 - 0972858186

KINH TÚC THIẾU DƯƠNG ĐỞM

 

1. ĐƯỜNG TUẦN HÀNH

Bắt đầu từ đuôi mắt, lên góc trán, vòng xuống sau tai, vòng qua đầu sang trán, vòng trở lại gáy đi dọc cổ (trước kinh Tam tiêu) xuống vai, bắt chéo ra sau kinh Thiếu dương ở tay vào hố trên đòn xuống nách, dọc ngực sườn (Chương môn), đến mấu chuyển lớn rồi đi ở mặt ngoài đùi, ra bờ dưới khớp gối, xuống cẳng chân trước ngoài qua xương mác và trước mắt cá ngoài mu chân đến góc ngoài ngón chân thứ 4.

Phân nhánh:

- Từ sau tai vào trong tai, đi ra trước tai đến phía sau đuôi mắt.

- Từ đuôi mắt xuống huyệt Đại nghênh giao hội với kinh Thiếu dương ở tay, lên dưới hố mắt rồi lại vòng xuống dưới góc hàm để xuống cổ, giao hội với kinh chính ở phía trên đòn (Khuyết bồn) rồi vào trong ngực, qua cơ hoành, liên lạc với Can (thuộc) về Đởm. Đi trong sườn, xuống vùng ống bẹn (Khí xung) vòng quanh lông mu tiến ngang vào mấu chuyển lớn.

- Từ mu chân ra, đi giữa xương bàn chân 1,2 đến đầu ngón chân cái rồi vòng lại đến chùm lông ở gần móng chân cái và tiếp nối với kinh Quyết âm Can ở chân.

 

2. CÁC HUYỆT CHÍNH: (mỗi bên có 44 huyệt)

 

ĐỔNG TỬ LIÊU

(Hội của kinh Thiếu dương ở tay, chân và Thái dương ở tay)

Vị trí: - Ở cách đuôi mắt 5 phân (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

- Lấy ở ngang đuôi mắt chỗ lõm sát ngoài đường khớp của mỏm ngoài ổ mắt xương gò má và xương trán.

Giải phẫu: Dưới da là bờ ngoài và các bó phụ của cơ vòng mi, cơ thái dương, chỗ tiếp khớp của xương gò má, xương trán và xương thái dương.

Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt và nhánh của dây thần kinh sọ não số V. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau đầu, đau mắt đỏ, chảy nước mắt.

- Theo kinh: Đau đầu, thiên đầu thống.

Cách châm cứu: Châm luồn kim dưới da, mũi kim hướng ra ngoài, sâu 0,2-0,3 tấc. Cứu 3-5 phút, không được gây bỏng.

Chú ý: Kết hợp với Tinh minh, Dưỡng lão, Túc tam lý chữa quáng gà.
 

THÍNH HỘI

Vị trí: - Ở chỗ lõm trước tai, dưới huyệt Thượng quan 1 tấc ( Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

- Lấy ở ngang phía trước rãnh bình tai, chỗ đầu dưới của chân bình tai, chỗ lõm phía sau ngành lên xương hàm dưới (há miệng thì lõm rộng ra)

Giải phẫu: Dưới da là bờ sau tuyến mang tai, bờ dưới mỏm tiếp xương thái dương, sau lồi cầu xương hàm dưới. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
- Tại chỗ: ù tai, điếc tai, đau răng, đau khớp hàm.

Cách châm cứu: Châm 0,5-1,2 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Châm đắc khí thấy căng tức tại chỗ, hoặc căng tức sâu vào trong tai làm ê ẩm 1/2 đầu. Khi cứu không được gây bỏng.
 

THƯỢNG QUAN

( Hội của kinh Thiếu dương ở tay, chân và kinh Dương minh ở tay)

Vị trí: - Ở mé trên đầu xương trước tai (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

- Lấy ở chỗ lõm ở bờ sau chân tóc mai, sát bờ trên mỏm tiếp xương thái dương thẳng xuống huyệt Hạ quan, phía trước huyệt Hòa liêu của kinh Tam tiêu.

Giải phẫu: Dưới da là cơ tai trước, cơ thái dương, xương thái dương chỗ bờ trên mỏm tiếp. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt, nhánh dây thần kinh sọ não số V. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
-Tại chỗ: Đau đầu, ù tai, điếc tai, đau răng, liệt mặt.

Cách châm cứu: Châm 0,3 tấc. Cứu 3-5 phút.

Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.
 

HÀM YẾN

(Hội của kinh Thái dương ở tay, chân và kinh Dương minh ở chân)

Vị trí: - Ở dưới góc trán và bờ trên tóc mai (Giáp ất, Đại thành)

- Lấy ở góc trán, chỗ nối 1/4 trên và 3/4 dưới của đoạn nối huyệt Đầu duy với huyệt Khúc tân, hoặc lấy huyệt ở góc trán vào tóc mai 3 phân, dưới huyệt Đầu duy 5 phân.

Giải phẫu: Dưới da là cơ tai trên, cơ thái dương, xương thái dương. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt, nhánh của dây thần kinh sọ não số V. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
- Tại chỗ và theo kinh: Đau nửa đầu, hoa mắt, đau khóe mắt ngoài, ù tai.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 3-5 phút.

Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.
 

HUYỀN LƯ

( Hội của kinh Thiếu dương ở chân, tay và Dương minh ở chân)

Vị trí: - Ở chỗ có động mạch trong thái dương (Giáp ất)

- Lấy ở dưới huyệt Hàm yến chỗ nối 2/4 trên với 2/4 dưới của đoạn nối huyệt Đầu duy với huyệt Khúc tân, sát động mạch thái dương nông.

Giải phẫu: Dưới da là cơ tai trên, cơ thái dương, xương thái dương. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt, nhánh của đây thần kinh sọ não số V. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
- Tại chỗ và theo kinh: Đau nhức đầu, đau khóe mắt ngoài.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 3-5 phút.

Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.

 


 

HUYỀN LY

( Hội của kinh Thiếu dương ở chân, tay và Dương minh ở chân)

Vị trí: - Ở chỗ có động mạch dưới thái dương (Giáp ất)

- Lấy ở dưới huyệt Huyền lư chỗ nối 3/4 trên với 1/4 dưới của đoạn nối huyệt Đầu duy với huyệt Khúc tân, sát động mạch thái dương nông.

Giải phẫu: Dưới da là cơ tai trên, cơ thái dương, xương thái dương. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt, nhánh của đây thần kinh sọ não số V. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
- Tại chỗ và theo kinh: Đau nhức nửa đầu, đau khóe mắt ngoài.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 3-5 phút.

Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.
 

KHÚC TÂN

( Hội của kinh Thiếu dương và kinh Thái dương ở chân)

Vị trí: - Ở chỗ lõm của đường chân tóc cong trên tai (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

- Lấy ở trên chân tóc phía trên tai, ở chính giữa đường cong nối huyệt Giác tôn và huyệt Hòa liêu của kinh Tam tiêu, sát động mạch thái dương nông.

Giải phẫu: Dưới da là cơ tai trên, cơ thái dương, xương thái dương. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt, nhánh của dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
- Tại chỗ và theo kinh: Đau vùng thái dương, sưng má và hàm răng cắn chặt.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 3-5 phút.

Chú ý: Khi châm cứu không được gây bỏng.
 

SUẤT CỐC

( Hội của kinh Thiếu dương và kinh Thái dương ở chân)

Vị trí: - Ở trên tai, lấn vào chân tóc 1.5 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Đại thành)

- Gấp vành tai về phía trước và áp vành tai vào đầu để lấy huyệt Giác tôn đo thẳng lên 1,5 tấc để lấy huyệt Suất cốc.

Giải phẫu: Dưới da là cơ tai trên, cơ thái dương, xương thái dương. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt, dây thần kinh sọ não số V. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C2.

Tác dụng:
-Tại chỗ và theo kinh: Đau đầu, đau nửa đầu, bệnh ở mắt.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.
 

THIÊN XUNG

( Hội của kinh Thiếu dương và kinh Thái dương ở chân)

Vị trí: - Ở sau tai vào chân tóc 2 tấc ( Đồng nhân, Đại thành)

- Lấy ở điểm gặp nhau của đường cong theo chân tóc trên tai và ở trên chân tóc 2 tấc, với đường thẳng đứng sau huyệt Suất cốc 1/2 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là cơ tai trên, xương thái dương. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C2.

Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau đầu.

- Theo kinh: Sưng lợi răng.

- Toàn thân: Điên.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Không cứu.
 

PHÙ BẠCH

( Hội của kinh Thiếu dương và Thái dương ở chân)

Vị trí: - Ở sau tai vào chân tóc 1 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

- Lấy ở chỗ nối 1/3 trên với 2/3 dưới của đọan nối huyệt Thiên xung với huyệt Hoàn cốt.

Giải phẫu: Dưới da là xương thái dương. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C2.

Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau đầu.

- Theo kinh: ù tai, điếc tai.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.
 

KHIẾU ÂM

( Hội của kinh Thiếu dương ở tay, chân và kinh Thái dương ở chân)

Vị trí: - Ở trên huyệt Hoàn cốt (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

- Lấy ở chỗ nối 2/3 trên với 1/3 dưới của đoạn nối huyệt Thiên xung với huyệt Hoàn cốt.

Giải phẫu: Dưới da là cơ tai sau, cơ chẩm, đường khớp xương thái dương-chẩm. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt và nhánh của dây thần kinh chẩm lớn. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C2.

Tác dụng:
-Tại chỗ: Đau đầu và gáy.

- Theo kinh: Nhức tai, ù tai, điếc tai.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.
 

HOÀN CỐT

( Hội của kinh Thiếu dương và Thái dương ở chân)

Vị trí: - Ở tai vào chân tóc 4 phân (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

- Lấy ở chỗ lõm sau mỏm trâm-chũm phía sau tai, sát bờ sau cơ ức đòn chũm.

Giải phẫu: Dưới da là cơ ức-đòn-chũm, cơ gối đầu, cơ đầu dài, cơ trâm móng, cơ trâm lưỡi, cơ trâm-hầu và cơ hai thân. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số XI, nhánh cổ 2, nhánh của dây thần kinh chẩm lớn, nhánh dây thần kinh dưới chẩm, các nhánh của dây thần kinh sọ não số XII, số IX và số VII. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C2.

Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau đầu, đau cứng cổ gáy.

- Theo kinh: Sưng má, đau răng, liệt mặt, đau họng.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da.
 

BẢN THẦN

( Hội của kinh Thiếu dương ở chân và mạch Dương duy)

Vị trí: - Ở vào trong chân tóc 4 phân phía ngoài huyệt Khúc sai 1,5 tấc (Đồng nhân)

- Lấy ở ngang huyệt Thần đình và ở ngoài huyệt Thần đình 3 tấc, ở trong huyệt Đầu duy 1,5 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là chỗ cơ trán dính vào cân sọ, xương trán. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt. Da vùng huyệt chi phối bởi thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau đầu.

- Theo kinh: Hoa mắt.

- Toàn thân: Điên, kinh phong.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 3-5 phút.

Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.
 

DƯƠNG BẠCH

( Hội của kinh Thiếu dương ở chân với kinh Dương minh ở chân, tay và mạch Dương duy)

Vị trí: - Ở trên lông mày 1 tấc, thẳng với con ngươi (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

- Lấy ở trên đường thẳng qua chính giữa mắt và ở phía trên lông mày 1 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là chỗ cơ trán , xương trán. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt. Da vùng huyệt chi phối bởi thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau đầu, đau mắt, mắt nhiều dử, mắt mờ, sụp mi, mắt không nhắm được, quáng gà, loạn thị.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da, mũi kim hướng xuống dưới.

Cứu 3-5 phút.

Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.
 

LÂM KHẤP

( Hội của kinh Thiếu dương, Thái dương ở chân và mạch Dương duy)

Vị trí: - Ở thẳng con ngươi lên, chỗ lõm trên chân tóc 0,5 tấc ( Đồng nhân, Phát huy, Đại thành )

- Lấy ở trên đường thẳng qua chính giữa huyệt Thần đình và huyệt Đầu duy, trên chân tóc trán 0,5 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là chỗ cơ trán dính vào cân sọ, xương trán. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt. Da vùng huyệt chi phối bởi thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau đầu.

- Theo kinh: Hoa mắt, chảy nước mắt, đau khóe mắt ngoài.

- Toàn thân: Kinh phong.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 3-5 phút.

Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.
 

MỤC SONG

( Hội của kinh Thiếu dương ở chân với mạch Dương duy)

Vị trí: - Ở phía sau huyệt Đầu lâm khấp 1,5 tấc (Đại thành, Tuần kinh)

- Lấy ở trên đường nối huyệt Lâm khấp với huyệt Phong trì (cùng chiều với mạch Đốc) ở sau huyệt Lâm khấp 1,5 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là cân sọ, đường khớp trán-đỉnh. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
- Tại chỗ: Đau đầu.

- Theo kinh: Hoa mắt, đau mắt đỏ, sợ lạnh, tắc mũi.

- Toàn thân: Kinh phong.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 3-5 phút.

Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.</


Các bài liên quan

  • KINH THỦ THIẾU DƯƠNG TAM TIÊU

    Bắt đầu từ ngón tay đeo nhẫn dọc bờ (phía ngón út) mu ngón tay lên kẽ ngón út và đeo nhẫn dọc mu tay (giữa 2 xương bàn tay 4 và 5) lên cổ tay đi giữa hai xương (quay và trụ) qua mỏm khuỷu dọc mặt sau ngoài cánh tay lên vai bắt chéo ra sau kinh Thiếu dương đởm, qua vai (Kiên tỉnh) vào hố trên đòn (Khuyết bồn) xuống giữa hai vú (Đản trung), liên lạc với Tâm bào, qua cơ hoành, từ ngực xuống bụng (thuộc về Thượng tiêu, Trung tiêu, Hạ tiêu)

    Xem thêm

Trọng Nghĩa Đường

Bắt mạch kê đơn thuốc, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt

Liên hệ

số 3 ngõ 4 ngách 4/22 Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội,
02435772733

Phụ trách chuyên môn

PSG Tiến sĩ Dương Trọng Nghĩa