SỎI MẬT
Sỏi mật là bệnh đường mật có sỏi, phát sinh ở bất kỳ bộ phận nào ở hệ thống túi mật (túi mật, ống mật). Bệnh đã được biết tới từ rất lâu và khá phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phần lớn ở tuổi 30-55, càng nhiều tuổi càng dễ bị sỏi mật. Bệnh gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới.
Triệu chứng lâm sàng chủ yếu là đau ở vùng hạ sườn bên phải có thể kèm theo sốt hoặc vàng da. Sỏi mật thường kèm theo viêm túi mật hoặc ống mật. Triệu chứng lâm sàng của sỏi mật tùy thuộc vào vị trí, tính chất, kích thước to nhỏ và biến chứng của bệnh. Có thể do trạng thái tinh thần kích động, chế độ ăn uống (ăn nhiều chất nóng, uống rượu...), thời tiết thay đổi, nóng lạnh thất thường ảnh hưởùng nhiều đến cơn đau tái phát. Diễn tiến bệnh có thể chia làm 2 thời kỳ: phát cơn đau và ổn định.
Sỏi mật theo thành phần có thể chia ra sỏi Cholesteron và sỏi Sắc tố mật.
Y học cổ truyền gọi Sỏi mật là Chứng Đởm Thạch. YHCT cho rằng, thạch đởm là do can uất khí trệ, ăn uống không điều độ sinh thấp nhiệt kết lại ở can đởm hoặc do ngoại cảm thấp nhiệt mà thành bệnh.
NGUYÊN NHÂN BỆNH SỎI MẬT
Nguyên nhân sỏi mật nói chung có thể bao gồm:
- Nhịn ăn: khiến túi mật có thể không tiết như bình thường
- Giảm cân nhanh: khiến gan tạo thêm cholesterol, có thể dẫn tới sỏi mật
- Nồng độ cholesterol trong máu cao
- Béo phì: là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất. Béo phì có thể làm tăng mức cholesterol và gây khó khăn trong việc làm rỗng túi mật.
- Uống thuốc tránh thai, sử dụng liệu pháp thay thế nội tiết tố cho các triệu chứng mãn kinh hoặc đang mang thai: có thể làm tăng nồng độ cholesterol trong máu và làm tăng nguy cơ ứ mật ở túi mật.
- Bệnh mãn tính: như bệnh đái tháo đường, ...
- Bệnh lý huyết học: thiếu máu tán huyết, ...
- Do di truyền
TRIỆU CHỨNG BỆNH SỎI MẬT
Dấu hiệu sỏi mật thường không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như bệnh dạ dày, thường bao gồm:
Đau bụng
Sỏi mật đau ở đâu? Phần lớn trường hợp sỏi mật có triệu chứng đau ở vùng hạ sườn phải, nhưng cũng không ít trường hợp cơn đau xuất hiện ở vùng thượng vị (vùng bụng trên rốn và phía dưới xương ức).
Cơn đau sỏi mật thường xuất hiện sau các bữa ăn, đặc biệt khi ăn nhiều dầu mỡ hoặc về đêm khiến người bệnh mất ngủ. Cơn đau nhiều và liên tục kéo dài từ 30 phút đến vài giờ.
Tùy theo vị trí hình thành sỏi mà tính chất cơn đau sẽ khác nhau:
- Sỏi túi mật: khi viên sỏi kẹt trong cổ túi mật, người bệnh thường đau bụng dữ dội vùng hạ sườn phải theo từng cơn.
- Sỏi trong gan hoặc ống mật chủ: người bệnh đau quặn vùng hạ sườn phải, lan ra vai phải hoặc sau lưng, vùng thượng vị.
Rối loạn tiêu hóa
Sỏi mật làm cản trở dòng chảy dịch mật xuống đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng đầy hơi, chậm tiêu, chán ăn, sợ thức ăn có nhiều dầu mỡ.
Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường xuất hiện sau bữa ăn, có thể kèm theo buồn nôn và nôn.
Người bệnh cần đến bệnh viện điều trị càng sớm càng tốt khi xuất hiện một trong các dấu hiệu sau:
- Đau bụng dữ dội kéo dài nhiều giờ và không thuyên giảm dù có uống thuốc giảm đau.
- Sốt cao trên 38 độ C, kèm theo ớn lạnh, vã mồ hôi.
- Buồn nôn và nôn kèm cảm giác chướng bụng.
- Ngứa da kết hợp vàng da hoặc vàng mắt.
PHÒNG NGỪA BỆNH SỎI MẬT
Phòng ngừa sỏi mật chủ yếu bằng cách thay đổi chế độ ăn:
- Giảm mỡ: cần hạn chế các thực phẩm giàu cholesterol như phủ tạng động vật, trứng...
- Tăng đạm để tăng tạo tế bào gan đã bị tổn thương, chống thoái hóa mỡ tế bào gan.
- Giàu đường bột: thức ăn này dễ tiêu, lại không ảnh hưởng đến mật và nhiều chất xơ giúp tiêu hóa tốt tránh táo bón.
- Giàu vitamin C và vitamin nhóm B (để tăng chuyển hóa chất mỡ và đường bột) có trong rau và hoa quả tươi
- Tỷ lệ giữa các chất dinh dưỡng đạm, mỡ, đường ở người trưởng thành bình thường là 1/0,75/5 còn ở người bị sỏi mật nên là 1/0,5/5.
- Thức ăn không nên dùng: trà, cà phê, cacao, chocolate, thịt cá nhiều mỡ, dầu cọ, dầu dừa..
- Thực phẩm nên dùng: Nước ép, hoa quả tươi các loại, rau tươi, bánh kẹo ít trứng bơ, các loại thịt cá nạc như nạc thăn heo, thịt bò, cá lóc, cá chép, các loại đậu đỗ như đậu tương, đậu xanh, đậu đen. Ngoài ra có một số thức ăn lợi mật như nghệ, lá chanh có thể dùng được.
- Để kích thích túi mật co bóp nhẹ nhàng, có thể dùng một ít chất béo dễ tiêu như bơ, dầu thảo mộc, mỡ gà vịt.
- Chia ra nhiều bữa ăn nhỏ, ăn nhiều lần trong ngày