Liên hệ: 02435772733 - 0972858186

3.1. Triệu chứng lâm sàng

Triệu chứng lâm sàng của hội chứng cổ vai cánh tay phụ thuộc nguyên nhân, mức độ và giai đoạn bệnh, bệnh nhân có thể có ít nhiều những triệu chứng và hội chứng sau đây:

3.1.1. Hội chứng cột sống cổ:

- Đau vùng cổ gáy, có thể khởi phát cấp tính sau chấn thương, sau động tác vận động cổ quá mức, hoặc tự nhiên như sau khi ngủ dậy. Đau cũng có thể xuất hiện từ từ, âm ỉ, mạn tính.

- Hạn chế vận động cột sống cổ, có thể kèm theo dấu hiệu vẹo cổ, hay gặp trong đau cột sống cổ cấp tính. Bệnh nhân có thể có tư thế chống đau: nghiêng đầu về bên đau và vai bên đau nâng cao hơn bên lành.

- Điểm đau cột sống cổ khi ấn vào các gai sau, cạnh cột sống cổ tương ứng các rễ thần kinh.

3.1.2. Hội chứng rễ thần kinh:

  • Đau vùng gáy lan lên vùng chẩm và xuống vai hoặc cánh tay, bàn tay, biểu hiện lâm sàng là hội chứng vai gáy hoặc hội chứng vai cánh tay. Đau thường tăng lên khi xoay đầu hoặc gập cổ về phía bên đau, đau tăng khi ho, hắt hơi, rặn (dấu hiệu Dèjerine), đau tăng khi trọng tải trên cột sống cổ tăng (khi đi, đứng, ngồi lâu) và khi vận động.
  • Rối loạn vận động, cảm giác kiểu rễ: Yếu cơ và rối loạn cảm giác như rát bỏng, kiến bò, tê bì ở vùng vai, cánh tay, hoặc ở bàn tay và các ngón tay. Nặng hơn, bệnh nhân có thể có rối loạn vận động kiểu rễ gây giảm vận động một số cơ chi trên (thường ít khi liệt) hoặc giảm hay mất phản xạ gân xương do rễ thần kinh chi phối bị chèn ép. Triệu chứng teo cơ chi trên ít gặp.
  • Một số nghiệm pháp đánh giá tổn thương rễ thần kinh cổ:

Dấu hiệu chuông bấm: Ấn điểm cạnh sống tương ứng với lỗ tiếp hợp thấy đau xuất hiện từ cổ lan xuống vai và cánh tay

Nghiệm pháp Spurling: Bệnh nhân ngồi hoặc nằm nghiêng đầu về bên đau, thầy thuốc dùng tay ép lên đỉnh đầu bệnh nhân, làm cho đau tăng lên. Đây là dấu hiệu quan trọng đánh giá đau kiểu rễ. Đau ở đây xuất hiện do động tác làm hẹp lỗ gian đốt sống và tăng thể tích phần đĩa đệm lồi ra.

Nghiệm pháp dạng vai: Bệnh nhân ngồi, cánh tay bên đau đưa lên trên đầu và ra sau, các triệu chứng rễ giảm hoặc mất.

Nghiệm pháp kéo giãn cổ: Bệnh nhân nằm ngửa, thầy thuốc dùng tay giữ chẩm và cằm và kéo từ từ theo trục dọc, làm giảm triệu chứng.

3.1.3. Hội chứng tủy cổ

  • Do lồi hoặc thoát vị đĩa đệm gây chèn ép tuỷ cổ tiến triển trong một thời gian dài.
  • Biểu hiện sớm là dấu hiệu tê bì và mất khéo léo hai bàn tay, teo cơ hai tay, đi lại khó khăn, nhanh mỏi, hai chân yếu và sức đi bộ giảm rõ rệt (Cơn cách hồi tủy), tê bì đầu gối, bắp chân hay gót. Giai đoạn muộn tùy vị trí tổn thương có thể thấy liệt trung ương tứ chi; liệt ngoại vi hai tay và liệt trung ương hai chân; rối loạn phản xạ đại tiểu tiện.

3.1.4. Các triệu chứng khác

  • Hội chứng động mạch sống nền (HC giao cảm cổ sau Barré Liéou): Đau đầu vùng chẩm, chóng mặt, ù tai, tiếng ve kêu trong tai, đau tai, mờ mắt, đôi khi có giảm thị lực thoáng qua, mất thăng bằng, mệt mỏi,loạn cảm thành sau họng, bệnh nhân nuốt vướng hoặc đau
  • Có thể có các rối loạn thần kinh thực vật: Đau kèm theo ù tai, rối loạn thị lực, rối loạn vận mạch vùng chẩm vai hoặc tay.

3.2. Triệu chứng cận lâm sàng

  • Xét nghiệm máu: Ít có giá trị chẩn đoán trong bệnh lý cột sống cổ và đĩa đệm gây chèn ép cơ học. Trong những bệnh như khối u, viêm, nhiễm trùng có thể thấy thay đổi trong một số xét nghiệm như tế bào máu ngoại vi, tốc độ máu lắng, CRP, phosphatase kiềm, điện di protein huyết thanh, v.v.
    • X - quang cột sống cổ trong hội chứng cổ vai cánh tay do thoái hóa cột sống cổ cho thấy các hình ảnh: gai xương ở thân đốt sống, mặt khớp đốt sống, lỗ gian đốt sống; hẹp khoang gian đốt sống, hẹp lỗ tiếp hợp (tư thế chếch ¾); đặc xương dưới sụn, phì đại mấu bán nguyệt và mất đường cong sinh lý cột sống cổ.
    • Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một kỹ thuật tốt nhất dùng cho chẩn đoán xác định hội chứng cổ vai cánh tay do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. MRI cho thấy các hình ảnh tổn thương như: hẹp ống sống, hình ảnh chèn ép rễ thần kinh, chèn ép tủy sống, lỗ tiếp hợp và các thành phần chạy qua…
    • Xạ hình xương: Khi nghi ngờ ung thư di căn hoặc viêm đĩa đệm đốt sống, cốt tủy viêm.
    • Điện cơ: Có thể giúp phát hiện tổn thương nguồn gốc thần kinh và phân biệt bệnh lý tủy cổ với bệnh lý rễ và dây thần kinh ngoại biên.

Các bài liên quan

Trọng Nghĩa Đường

Bắt mạch kê đơn thuốc, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt

Liên hệ

số 3 ngõ 4 ngách 4/22 Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội,
02435772733

Phụ trách chuyên môn

PSG Tiến sĩ Dương Trọng Nghĩa