1. Triệu chứng chủ quan:
1.1. Chóng mặt
- Là triệu chứng chủ yếu. BN có cảm giác bị dịch chuyển, mọi vật xung quanh xoay tròn, hoặc chính bản thân BN xoay tròn so với những vật xung quanh. BN có thể cảm thấy chóng mặt, quay cuồng, choáng váng; thậm chí không thể bước đi, dễ ngã do mất cân bằng và mất định hướng không gian.
* Phân biệt các tình trạng chóng mặt
- Chóng mặt thật sự: Là cảm giác đồ vật xoay quanh bệnh nhân (chóng mặt khách quan) hoặc bệnh nhân xoay quanh đồ vật (chóng mặt chủ quan). Chóng mặt thật sự luôn luôn là một tổn thương tiền đình (trung ương hoặc ngoại vi).
- Cảm giác chóng mặt: Là cảm giác bị dịch chuyển trong không gian, tuy không rõ nét như chóng mặt thật sự nhưng nếu nó xảy ra chỉ khi quay đầu hoặc nặng lên rõ rệt khi quay đầu thì tổn thương thường cũng có nguồn gốc từ tiền đình.
- Cảm giác mất thăng bằng: Cảm giác này không kèm theo bất kỳ cảm giác khác lạ nào trong đầu. Nó có thể có nguồn gốc từ tiền đình, nhưng cũng có thể có nguồn gốc từ tiểu não, từ cảm giác sâu (cảm giác bản thể), từ hệ thị giác.
- Cảm giác sợ hãi muốn ngã: Hầu như trong đa số trường hợp có nguồn gốc từ tâm lý.
- Cảm giác choáng váng, cảm giác hoa mắt: Thường tương ứng với những bệnh lý tim mạch hoặc bệnh tâm thần.
1.2. Triệu chứng khách quan
a) Rung giật nhãn cầu (nystagmus): là triệu chứng chủ yếu
- Rung giật nhãn cầu nhãn cầu do nguyên nhân tiền đình thường đánh theo nhịp. Đó là cử động của nhãn cầu theo nhịp gồm sự nối tiếp nhau giữa hai pha: pha chậm đưa nhãn cầu sang một phía (do tác động của hệ tiền đình), kế đến là pha nhanh đưa nhãn cầu theo chiều ngược lại, đưa mắt về vị trí nghỉ ngơi (do tác động của chất lưới cầu não).
b) Rối loạn thăng bằng
Các rối loạn tĩnh trạng: chú ý đến sự di lệch của thân, trục cơ thể: sự di lệch này đi theo hướng của dòng nội dịch.
- Dấu Romberg: khi BN đứng, hai chân khép lại, ta sẽ thấy thân mình BN nghiêng về một bên, hiếm hơn là nghiêng ra phía trước hoặc phía sau nhưng thuờng là cùng một phía đối với một BN. Rối loạn này tăng lên khi BN nhắm mắt (dấu Romberg tiền đình). Nếu nặng hơn, BN có thể bị té ngã, đôi khi xảy ra đột ngột, lúc này đứng và đi không thể thực hiện được.
- Ngoài ra còn phải khám thêm về thần kinh xem bệnh nhân có tổn thương dây VIII thính lực, dây VII, dây V, tổn thương tiểu não, và các tổn thương về vận động, cảm giác.